Tiệm nail Việt tận dụng thế mạnh vượt qua đại dịch Covid-19 ở Mỹ
Một hệ thống tiệm nail (làm móng) của người Việt ở Mỹ khéo léo tồn tại và thích nghi trong đại dịch Covid-19.
Tiệm Cindy's Nail and Spa phục vụ khách
Trong bối cảnh Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở Mỹ, nhiều doanh nghiệp, lao động phải chật vật đối phó đại dịch thì có những tiệm nail Việt đã tìm hướng đi tích cực khi tận dụng lợi thế riêng để thích nghi và phát triển, khi nền kinh tế tìm cách phục hồi.
Đón đầu “hậu Covid-19”
Chị Cindy Trần, chủ tiệm nail Cindy’s Nail and Spa ở New Orleans (bang Louisiana, Mỹ) làm việc rất chịu khó khi chỉ nghỉ 3 ngày hằng năm. Khi tiệm phải đóng cửa suốt nhiều tháng từ tháng 3.2020 do đại dịch Covid-19, chị không hề thụ động.
Dù không chắc khi nào có thể mở cửa lại, chị vẫn mở rộng cơ sở tại đại lộ Nam Carrollton, lắp đặt thêm 8 ghế làm móng tay, móng chân bên cạnh 16 ghế hiện có. Chị dự báo rằng một khi hết phong tỏa, khách hàng sẽ nườm nượp trở lại. “Tôi đã có ý tưởng đúng khi đóng cửa, vì tôi muốn làm gì đó thay vì ngồi không ở nhà”, chị chia sẻ với trang Nola.com.
Cơ sở hộ gia đình của chị cũng như nhiều doanh nghiệp nhỏ khác ở New Orleans đã bị ảnh hưởng nhiều trong đại dịch và đang hy vọng phục hồi mạnh mẽ sau một năm trắc trở.
Câu chuyện của chị Trần phản ánh việc một số doanh nghiệp địa phương tập trung vào mối quan hệ gần gũi với khách hàng để thu hút họ trở lại, ngay cả khi biến chủng Delta đe dọa nhiều tháng tiến triển của công tác phòng chống dịch.
Chị Trần từng là một tiểu thương trước khi đến New Orleans vào năm 2004 để đoàn tụ với chồng là một ngư dân và anh đủ khả năng chăm lo cho chị và đứa con gái 2 tuổi của 2 người.
Chị Cindy Trần tại tiệm nail của mình ở New Orleans
Khi đến New Orleans, chị bắt đầu tìm việc để phụ giúp gia đình, dù không nói sõi tiếng Anh. Chị đăng ký vào trường thẩm mỹ My-Le’s tại khu Terrytown và trở thành thợ làm móng.
Trong 9 năm sau đó, chị làm việc tại các tiệm nail ở Westbank cho đến Metairie, trong đó có thời gian phụ giúp tiệm nail của người nhà trước khi mở tiệm riêng. Cả 2 tiệm của chị đều chiếm vị trí đầu bảng trong danh sách các tiệm làm móng tốt nhất trong giải thưởng Gambit’s Best of New Orleans vào năm 2016.
Công việc thuận lợi, chồng chị là anh Danny Nguyễn đã bỏ nghề đánh bắt tôm để về giúp quản lý một tiệm, còn 2 đứa con gái lớn lên cũng đỡ đần công việc gia đình.
Nhiều “chiêu” giữ chân khách
Năm ngoái, quy định phong tỏa trong đại dịch khiến các tiệm phải đóng cửa trong 3 tháng. Ngành nail là ngành có liên hệ gần gũi với khách hàng và chị đã tận dụng tốt lợi thế này để giữ chân họ khi hết phong tỏa.
Giờ đây, các tiệm của chị có thể phục vụ đến 100 khách hàng vào thứ bảy, ngày đông khách nhất, so với tối đa 20 khách khi khởi nghiệp cách đây 8 năm.
Một khách hàng thân thiết là chị Shantrella Baptiste đã đến tiệm để làm móng trong gần 4 năm qua cho biết dịch vụ khách hàng đã giữ chân chị.
Khách hàng này chia sẻ rằng mối quan hệ với chị Trần đã vượt xa mối quan hệ khách hàng và dịch vụ, và chị đã yêu thích tiệm nail quen thuộc. “Nó đã trở thành sự kết nối như gia đình hay một nhà trị liệu”, khách hàng này chia sẻ.
Một khách hàng khác là bà Sindy Clarkson (74 tuổi) cho biết tiệm của chị Trần chưa bao giờ từ chối khách. Tiệm còn khuyến mãi rượu vang và thẻ giảm giá cho những người đã sử dụng dịch vụ 10 lần. Bà Clarkson lưu ý rằng tiệm của chị Trần có khách đủ mọi lứa tuổi, kể cả nhiều sinh viên.
Nữ sinh Jabez Berniard tại Đại học Loyola kể rằng cô và các bạn còn được giảm giá 10% khi đưa ra thẻ sinh viên.
Con của chị Trần là Cindy Nguyễn kể rằng mẹ cô chưa hề đổi xe hơi mới và vẫn sống ở căn nhà cũ kể từ khi mở tiệm. Mẹ cô đã phấn đấu từ một người không biết tiếng Anh để đặt thức ăn ở nhà hàng trở thành một chủ tiệm nail đang mở rộng kinh doanh. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, vắc xin đem lại sự lạc quan sau một trong những quãng thời gian vất vả nhất. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, số ca mắc Covid-19 gia tăng khiến nhân viên, khách hàng phải đeo khẩu trang trở lại, và chị Trần đang chuẩn bị đương đầu với khó khăn phía trước. “Luôn có áp lực khi chúng tôi không biết khi nào phải đóng cửa lại”, chị lo lắng nói.